Hiện nay trên phim ảnh, báo đài, truyện bạn hay thấy nhắc đến cụm từ “hợp đồng hôn nhân”. Những bạn vẫn không biết hợp đồng hôn nhân là gì? Liệu rằng hợp đồng hôn nhân có hợp pháp không?
Hợp đồng hôn nhân là gì?
Hợp đồng hôn nhân hay còn gọi là hợp đồng tiền hôn nhân là một loại hợp đồng mà chủ thể là các đôi nam nữ trước khi chính thức kết hôn thực hiện nhằm thỏa thuận về các vẫn đề pháp lý như phân định tài sản chung, tài sản riêng, trước, trong và sau hôn nhân hoặc liên quan đến việc một hoặc hai bên muốn chấm dứt hợp đồng hôn nhân, quyền nuôi con và chia tài sản nếu vợ chồng ly hôn.
Như vậy, có thể hiểu hợp đồng hôn nhân là sự thoả thuận giữa vợ và chồng về quan hệ hôn nhân giữa hai người. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề hợp đồng hôn nhân ngoài thoả thuận về chế độ tài sản trước, trong và sau thời kỳ hôn nhân.
Hợp đồng hôn nhân là hợp đồng trái pháp luật?
“Hôn nhân là tự nguyện, nó bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố, mà yếu tố tình cảm là quan trọng nhất” nếu cuộc hôn nhân với mục đích xây dựng gia đình dựa trên tinh thần tự nguyện, do hai người có đủ điều kiện để kết hôn và được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì sẽ được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.
Theo quy định, bất cứ loại hợp đồng nào không nhằm mục đích xây dựng gia đình mà chỉ lợi dụng việc kết hôn để thực hiện mục đích khác như: Xuất cảnh, nhập cư, cư trú, nhập quốc tịch,… là trái pháp luật và sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm khắc.
Đặc biệt trong trường hợp hợp đồng hôn nhân vì mục đích trục lợi, hợp đồng lập ra để kết hôn giả là những hợp đồng vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, nếu bạn lập hợp đồng hôn nhân trong đó có thoả thuận về việc tài sản và giành quyền nuôi con thì khi ra Toà sẽ không được công nhận. Do hai bạn không kết hôn với nhau nên cũng không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng.
Hậu quả của việc kết hôn giả có thể bị phạt đến 20 triệu đồng
Việc kết hôn giả không chỉ không được pháp luật công nhận mà thậm chí nếu mục đích của việc kết hôn này không nhằm đề xây dựng gia đình, vì mục đích trục lợi có thể bị phạt hành chính.
Theo đó, nếu người nào lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc thực hiện các mục đích trục lợi khác thì có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định tại điều 28 Nghị định 110/2013/NĐ-CP.
Như vậy, nếu hợp đồng hôn nhân thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thì hoàn toàn được pháp luật Việt Nam công nhận nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Nhưng nếu không vì mục đích xây dựng gia đình mà chỉ nhằm kết hôn gải tạo thì sẽ không được pháp luật công nhận.
Hậu quả của việc huỷ kết hôn giả
Để huỷ kết hôn trái pháp luật thì Toà án căn cứ vào yêu cầu của vợ, chồng, điều kiện kết hôn, điều kiện công nhận quan hệ hôn nhân hợp pháp… để giải quyết. nếu hai bên vợ chồng đã có đủ điều kiện kết hôn theo quy định thì:
⇒ Nếu cả hai cùng yêu cầu Toà án công nhận quan hệ hôn nhân thì Toà án quyết định công nhận kể từ khi hai bên đủ điều kiện kết hôn.
⇒ Nếu chỉ có một trong hai bên yêu cầu huỷ việc kết hôn hoặc công nhận hôn nhân thì Toà án quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật.
⇒ Nếu một bên yêu cầu ly hôn thì Toà án giải quyết cho ly hôn.
Như vậy, có thể thấy chỉ có thoả thuận về tài sản của vợ chồng là được pháp luật công nhận còn các trường hợp lập hợp đồng hôn nhân khác đều chưa được pháp luật quy định.
Thanh Huyền