Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm với mục đích sinh lời, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm là cơ sở phát sinh trách nhiệm bảo hiểm rủi ro, quyền và nghĩa vụ giữa bên doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Sau đây sẽ là những quy định về hợp đồng bảo hiểm.
NỘI DUNG
1. Hợp đồng bảo hiểm là gì?
Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm.
2. Phân loại hợp đồng bảo hiểm
– Bao gồm
+ Hợp đồng bảo hiểm con người,
+ Hợp đồng bảo hiểm tài sản
+ Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
3. Đối tượng bảo hiểm
+ Con người, tài sản, trách nhiệm dân sự và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
4. Tính chất bảo hiểm
+ Hợp đồng bảo hiểm mang tính tương thuận: Hợp đồng bảo hiểm được thiết lập dựa trên sự chấp thuận của cả đôi bên trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tự do giao kết trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội.
+ Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng song vụ
+ Hợp đồng bảo hiểm có tính chất may rủi
+ Hợp đồng bảo hiểm có tính chất tin tưởng tuyệt đối
+ Hợp đồng bảo hiểm có tính chất phải trả tiền
+ Hợp đồng bảo hiển có tính chất gia nhập: Hợp đồng bảo hiểm là một hợp đồng theo mẫu. Quy tắc bảo hiểm (nội dung chính của Hợp đồng) do người bảo hiểm soạn thảo trước, bên mua bảo hiểm sau đọc thấy phù hợp với nhu cầu của mình thì gia nhập vào.
+ Hợp đồng bảo hiểm có tính dân sự – thường mại hỗn hợp: Bên mua bảo hiểm có thể là một thể nhân hoặc pháp nhân dân sự hay thương mại, người bảo hiểm cũng có thể là một pháp nhân dân sự (hội tương hỗ) hay thương mại (công ty bảo hiểm). Do đó, mối quan hệ giữa họ, cụ thể là hợp đồng bảo hiểm sẽ có thể có tính dân sự hay thương mại thuần túy hoặc dân sự – thương mại hỗn hợp.
5. Hình thức hợp đồng bảo hiểm
+ Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Giấy yêu cầu bảo hiểm có chữ ký của bên mua bảo hiểm là bộ phận không tách rời của hợp đồng bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng bảo hiểm.
6. Sự kiện bảo hiểm
+ Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm, trừ trường khác do luật dân sự quy định
7. Phí bảo hiểm
+ Phí bảo hiểm là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho bên bảo hiểm.
+ Thời hạn đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Phí bảo hiểm có thể đóng một lần hoặc theo định kỳ.
8. Nghĩa vụ thông tin của bên mua bảo hiểm
+ Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, theo yêu cầu của bên bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải cung cấp cho bên bảo hiểm đầy đủ thông tin có liên quan đến đối tượng bảo hiểm, trừ thông tin mà bên bảo hiểm đã biết hoặc phải biết.
+ Trong trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai nhằm giao kết hợp đồng để hưởng tiền bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và thu phí bảo hiểm đến thời điểm chất dứt hợp đồng.
9. Nghĩa vụ phòng ngừa thiệt hại
+ Bên được bảo hiểm có nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện ghi trong hợp đồng, các quy định của pháp luật có liên quan và thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiệt hại.
+ Trong trường hợp bên được bảo hiểm có lỗi không thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiệt hại đã ghi trong hợp đồng thì bên bảo hiểm có quyền ấn định một thời hạn để bên được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó; nếu hết thời hạn mà các biện pháp phòng ngừa vẫn không được thực hiện thì bên bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng hoặc không trả tiền bảo hiểm khi thiệt hại xảy ra do các biện pháp phòng ngừa đã không được thực hiện.
10. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu
+ Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong các trường hợp sau đây:
+ Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm;
+ Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại;
+ Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
+ Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
+ Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
– Việc xử lý hợp đồng bảo hiểm vô hiệu được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan
Trên đây là tổng hợp 10 quy định về hợp đồng bảo hiểm, bạn đọc hãy tham khảo thật kĩ để có kiến thức chuyên sâu trước khi đưa ra quyết định ký kết hợp đồng với bên công ty bảo hiểm nhé.
Bắc Nguyễn