Trong quá trình hoạt động kinh doanh, người chủ doanh nghiệp lựa chọn thay đổi loại hình kinh doanh của doanh nghiệp để chuyên nghiệp hóa việc quản lý, tăng hiệu quả kinh doanh, hoặc giải quyết những khó khăn pháp lý như tránh việc giải thể do không đủ số lượng thành viên tối thiểu.
Thay đổi loại hình kinh doanh là một hình thức tổ chức lại cơ cấu tổ chức sao cho phù hợp với quy mô và định hướng phát triển lâu dài của doanh nghiệp đó.
1. Các hình thức thay đổi loại hình kinh doanh của doanh nghiệp
- Công ty TNHH 1TV chuyển thành công ty TNHH 2 TV. Đây là trường hợp công ty TNHH 1TV chuyển nhượng, cho, tặng một phần vốn điều lệ của mình cho một hoặc một số cá nhân khác.
- Công ty cổ phần chuyển thành công ty TNHH xảy ra các trường hợp:
- Một cổ đông hoặc thành viên nào đó được nhận toàn bộ số cổ phần của tất cả các cổ đông còn lại.
- Một cổ đông hoặc thành viên nhận góp vốn đầu tư bằng toàn bộ số cổ phần của tất cả các cổ đông còn lại.
- Một người không phải là cổ đông hoặc thành viên nhận chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng toàn bộ số cổ phần của tất cả các cổ đông của công ty.
- Công ty TNHH chuyển thành công ty cổ phần. Đây là trường hợp công ty có thêm thành viên với tổng số lượng thành viên tối thiểu là 3. Thành viên mới có thể góp thêm vốn vào công ty hoặc là người nhận chuyển nhượng một phần vốn góp từ thành viên hiện có
- Doanh nghiệp tư nhân chuyển thành công ty TNHH nhưng phải thỏa mãn các điều kiện sau:
- Có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2014
- Nếu chuyển thành công ty TNHH 1TV thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải là chủ sở hữu công ty. Trường hợp chuyển thành công ty TNHH 2 TV thì chủ doanh nghiệp phải là thành viên của Hội đồng thành viên
- Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình và cam kết bằng văn bản thanh toán đủ các khoản nợ khi đến hạn
- Chủ doanh nghiệp tư nhân cần thỏa thuận bằng văn bản với các chủ thể của Hợp đồng chưa được thanh lý về việc công ty TNHH được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó
- Chủ doanh nghiệp tư nhân phải cam kết bằng văn bản đối với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
2. Hồ sơ để thay đổi loại hình kinh doanh gồm những gì?
Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, khi chuyển đổi loại hình thì doanh nghiệp cần phải đăng ký thay đổi tại Phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch đầu tư tỉnh/ thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Đồng thời phải tiến hành thay đổi con dấu pháp nhân và mã số doanh nghiệp.
Theo quy định số 43 và Thông tư Chính phủ số 14/2010/TT-BKH với mỗi loại hình chuyển đổi thì hồ sơ bao gồm:
- Giấy đề nghị chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (theo mẫu).
- Biên bản họp và quyết định về việc thay đổi loại hình doanh nghiệp của chủ sở hữu, hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH 2TV trở lên), đại hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần).
- Điều lệ công ty.
- Danh sách của hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH 2TV trở lên) hoặc của hội đồng cổ đông (đối với công ty cổ phần) và có chữ ký.
- Bản sao hợp lệ một số giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực của người đại diện theo pháp luật, các thành viên hoặc cổ đông như CMND hoặc hộ chiếu.
- Các văn bản thỏa thuận như:
- Doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu toàn bộ trách nhiệm trước các khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ khi đến hạn bằng toàn bộ tài sản cá nhân.
- Văn bản thỏa thuận với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty TNHH được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó.
- Đối với công ty cổ phần phải có Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp.
>>> Có thể bạn cần: Thủ tục đăng ký kinh doanh quán cà phê
Trên đây là những hình thức thay đổi loại hình kinh doanh được pháp luật Việt Nam quy định và hồ sơ cần chuẩn bị cho việc chuyển đổi đó. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức về vấn để chuyển đổi loại hình kinh doanh để quá trình chuyển đổi được tiến hành nhanh chóng.
Phương Anh