Khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang trên đà phát triển, doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh có thể lựa chọn hình thức thành lập chi nhánh hoặc thành lập văn phòng đại diện của công ty. Với mỗi mục đích hoạt động khác nhau, người chủ doanh nghiệp sẽ đưa ra chiến lược nên thành lập chi nhánh hay công ty. Vậy nếu người chủ doanh nghiệp lựa chọn hình thức thành lập chi nhánh thì quy trình thành lập chi nhánh diễn ra như thế nào và cần phải chuẩn bị những hồ sơ gì để đăng ký thành lập.
1. Hồ sơ cần chuẩn bị để thành lập chi nhánh
Điều 45 Luật doanh nghiệp quy định:
“ Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.”
Như vậy có thể nhận thấy, việc thành lập chi nhánh của doanh nghiệp sẽ có nhiều ưu điểm hơn so với thành lập văn phòng đại diện vì:
- Chi nhánh của doanh nghiệp được thực hiện các công việc, nghiệp vụ giống như chức năng của doanh nghiệp mẹ. Còn văn phòng đại diện lại không được thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến doanh nghiệp mẹ.
- Chi nhánh được thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp bao gồm cả chức năng kinh doanh và đại diện theo ủy quyền. Còn văn phòng đại diện chỉ thực hiện chức năng ủy quyền thôi và không có chức năng kinh doanh.
Vậy, để đăng ký thành lập chi nhánh thì cần chuẩn bị bộ hồ sơ gồm:
- Thông báo thành lập chi nhánh của doanh nghiệp đã được chủ doanh nghiệp ký (theo mẫu quy định).
- Biên bản họp bàn về vấn đề thành lập chi nhánh.
- Văn bản của chủ sở hữu doanh nghiệp, hội đồng thành viên công ty TNHH hoặc hội đồng cổ đông công ty cổ phần về việc quyết định thành lập chi nhánh.
- Quyết định bổ nhiệm người đứng đầu của chi nhánh doanh nghiệp.
- Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu của người đứng đầu chi nhánh.
- Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người đứng đầu hoặc các cá nhân khác thuộc chi nhánh đối với một số ngành nghề hoạt động yêu cầu chứng chỉ theo quy định.
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Quy trình thành lập chi nhánh
Bước 1: đăng ký thành lập chi nhánh tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, thành phố nơi muốn thành lập chi nhánh
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mang nộp bộ hồ sơ đã chuẩn bị tới Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, thành phố nơi muốn thành lập chi nhánh.
Bước 2: Bộ phận một cửa sẽ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu thành lập chi nhánh của bạn và trả lại Giấy biên nhận. Phòng đăng ký kinh doanh sẽ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của bộ hồ sơ.
Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ đưa ra thông báo về việc sửa đổi, bổ sung nếu thấy hồ sơ chưa hợp lệ. Nếu hồ sơ đã hợp lệ thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ đưa thông tin chi nhánh doanh nghiệp vào hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia để yêu cầu mã số chi nhánh. Sau đó Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho chi nhánh.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức đăng ký online thông qua website của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Lưu ý: đối với chi nhánh thành lập được đặt trụ sở tại tỉnh/thành phố khác nơi đặt trụ sở chính thì cần phải nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan về ngành, nghề được phép kinh doanh tại nơi đó vì không phải tất cả ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp đều được cho phép thực hiện ở một địa phương nào đó.
Hy vọng với những thông tin về hồ sơ thực hiện và quy trình thành lập chi nhánh phía trên đã giúp bạn đọc có thêm kiến thức về vấn đề thành lập chi nhánh doanh nghiệp giúp cho việc thực hiện được diễn ra nhanh chóng.
>>> Tham khảo thêm: Các bước thành lập doanh nghiệp
Phương Anh